Hệ thống cảng tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội Đồng Nai
11/12/2021 ( 0) Nhận xét
Hệ thống cảng, đặc biệt là các cảng biển nước sâu đang giữ vai trò là đầu mối phục vụ xuất – nhập khẩu hàng hóa, tạo động lực phát triển toàn vùng, đóng góp vào sự tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) khu vực sẽ tiếp tục hưởng lợi theo sự phát triển đồng bộ của hệ thống cảng này.
Lợi thế phát triển kinh tế từ cảng biển
Tọa lạc tại khu vực tứ giác kinh tế năng động nhất cả nước (Đồng Nai – Bình Dương – Bà Rịa-Vũng Tàu – TPHCM), đóng vai trò như một cửa ngõ kết nối, Đồng Nai là một trong những địa phương có tiềm năng về phát triển hệ thống cảng hàng hóa. Tính đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 46 cảng được đầu tư xây dựng gồm 20 cảng tổng hợp và 26 cảng chuyên dùng tập trung chủ yếu ở 3 địa phương là TP Biên Hòa, huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Đây sẽ là cửa ngõ giao thương hàng hóa tại đầu mối giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh sẽ được quy hoạch với 3 khu bến cảng gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải); khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai), phục vụ phát triển kinh tế – xã hội quy mô địa phương cũng như vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Hệ thống cảng Đồng Nai sẽ trở thành cửa ngõ chính để lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp trong tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh ra biển lớn.
Nằm phía Đông Bắc Sài Gòn, Đồng Nai còn có khả năng kết nối tuyến đường bộ và đường sông thuận lợi với các cảng lớn ở TPHCM như Cát Lái, VICT, SPCT,… và cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), quy mô đứng thứ 19 trên thế giới. Dài hơn 20km, chiếm hơn 30% lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container của cả nước, đây là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu chở container đi trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3, kết nối nhanh chóng đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Tuy nhiên, tiềm năng hệ thống cảng Đồng Nai nói riêng và các cụm cảng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ được phát huy tối đa khi cơ sở hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn được đầu tư hoàn chỉnh. Đó cũng là lý do thời gian qua, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đang đẩy mạnh thực hiện các dự án như đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải (điểm đầu ở cảng Cái Mép hạ, thị xã Phú Mỹ đến điểm cuối huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (điểm đầu giao với cao tốc TP HCM – Trung Lương và vành đai 3 của TP HCM; điểm cuối giao quốc lộ 51 Đồng Nai), đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường Phước Hòa – Vũng Tàu. Khi hoàn thành, cơ sở hạ tầng này sẽ nâng cao khả năng kết nối giao thông, giảm tải áp lực cho quốc lộ 51, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế công nghiệp lớn tới hệ thống các cảng biển.
Bất động sản nhà ở hưởng lợi từ phát triển hệ thống cảng
Sự phát triển vượt trội của hệ thống cảng đòi hỏi hình thành các khu dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho sự dịch chuyển dân cư về các khu trung tâm kinh tế lớn.
Các thị trường có lợi thế phát triển công nghiệp lẫn cảng sông, cảng biển đang trở thành điểm sáng về thị trường BĐS nhà ở, được nhiều người quan tâm. Theo nhận định của các chuyên gia, địa phương sở hữu cảng quốc tế sẽ trở thành trung tâm giao thương của cả quốc gia và khu vực. Hạ tầng khu vực sẽ được đầu tư, thu hút các khu công nghiệp phát triển, kéo theo lượng lớn lao động và chuyên gia về đây làm việc. Khi tăng dân số sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển, mà hơn hết là nền công nghiệp logistics và thị trường BĐS.
Nhận xét
Đăng nhận xét