CHUYỂN ĐỔI CÔNG NĂNG KCN BIÊN HÒA I

20/01/2022 (0) Nhận xét


KCN Biên Hòa I (tỉnh Đồng Nai) diện tích 335ha là KCN đầu tiên của cả nước, hình thành năm 1963. Từ năm 2009, KCN Biên Hòa I được Chính phủ đồng ý chuyển đổi thành Khu đô thị – thương mại – dịch vụ nhưng do thiếu vốn nên chậm tiến độ. Tỉnh Đồng Nai đang ưu tiên chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chuyển đổi trên giấy

Để thực hiện dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I, tỉnh Đồng Nai phải di dời 63 hộ dân sinh sống và 154 doanh nghiệp (DN) đi nơi khác. Nhưng việc GPMB gặp vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, quy hoạch sử dụng đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ cho DN chưa hoàn thiện nên dự án suốt thời gian dài chỉ nằm trên giấy.

Tại KCN Biên Hòa I cuối tháng 12-2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh như chế biến gỗ, sản xuất máy móc, trang thiết bị, vật liệu xây dựng… tại các nhà máy diễn ra khẩn trương, nhiều đoàn xe trọng tải lớn vào ra bốc hàng, hàng ngàn công nhân hối hả làm việc trong nhà xưởng. Nhiều chủ DN không chú trọng việc duy tu, bảo trì hệ thống dây chuyền sản xuất, cơ sở hạ tầng, đường sá xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ gà, ổ voi, mùa mưa sình lầy, trời nắng khói bụi mù mịt, những ống khói đen kịt… gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty CP nông sản Đông Việt, cho biết, công ty được chuyển đổi từ công ty nhà nước sang công ty CP từ năm 2003, chuyên chế biến nông sản, đồ gỗ với 100 công nhân làm việc và doanh thu ổn định. Nếu phải di dời sẽ mất nhiều thời gian thuê đất xây nhà xưởng, nhà ở cho công nhân, xáo trộn công việc kinh doanh, sản xuất và DN đang đợi tiền hỗ trợ thu hồi đất của nhà nước. Không chỉ ông Bình, đa số DN đang kinh doanh, sản xuất lo lắng vì sắp phải đưa nhà máy, trang thiết bị và nhân lực đi nơi khác. Đối với hộ dân, TP Biên Hòa đã bồi thường, GPMB cho hơn 50 hộ dân, hơn 200 hộ dân cần xác minh nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường về đất ở, tài sản và kiến trúc với số tiền 300 tỷ đồng; tái định cư cho các hộ bị giải tỏa trắng. Việc quy hoạch đã 12 năm nay nên các hộ dân hạn chế xây mới công trình nhà ở, mở rộng cơ sở kinh doanh, sản xuất trong khu vực ranh của dự án.

Hoàn thành vào năm 2025

Tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các chủ DN, đa số đồng tình với chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I và hiện có nhiều DN thuê mặt bằng đã trả lại nhà kho, phân xưởng, chuyển đi nơi khác. Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khởi Nam, cho biết, công ty có trụ sở tại Bình Dương, cách đây 3 năm thuê nhà kho 200m2 để phụ kiện máy móc, trang thiết bị bán ra thị trường. Khi nghe có chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I, công ty đã chủ động trả mặt bằng và đưa hàng hóa về lại Bình Dương. Ông nói: “Đa số các DN thuê nhà kho đều trả lại mặt bằng, di dời không gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I là phù hợp nhưng cần có chính sách hỗ trợ thuê đất ở vị trí phù hợp để DN tiếp tục phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động”.

UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo Sở Xây dựng căn cứ theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I đã được phê duyệt và phương án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 phân khu A2 (khu đô thị) lập chi phí đầu tư xây dựng; rà soát tầng cao công trình tạo mỹ quan kiến trúc, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, bố trí biểu tượng của KCN Biên Hòa I, tham khảo ý kiến chuyên gia để xây mới Khu trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh.

Mới đây, tại buổi làm việc nghe báo cáo về dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây do thiếu vốn, không được Chính phủ hỗ trợ ngân sách nên dự án gặp khó khăn trong GPMB nhưng nay, chính sách đã được khơi thông, Đồng Nai có thể chủ động vốn bồi thường GPMB từ việc kêu gọi DN có tiềm lực đầu tư vào dự án. Ông Dũng nhấn mạnh, KCN Biên Hòa I là khu “đất vàng”, nhiều lợi thế phát triển khu đô thị – thương mại – dịch vụ được nhà đầu tư quan tâm; chính quyền địa phương đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025!

Nhận xét

Đăng nhận xét

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok