Dự án giao thông trọng điểm cần hàng chục triệu mét khối đất san lấp
28/02/2022 (0) Nhận xét
Với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm lớn của Trung ương và của tỉnh sẽ được triển khai trong thời gian tới, nhu cầu về nguồn đất san lấp phục vụ quá trình thi công lên đến hàng chục triệu m3
* 8 dự án giao thông cần gần 23 triệu m3 đất san lấp
Giai đoạn 2021-2025, hàng loạt dự án hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông của Trung ương cũng như của tỉnh sẽ được triển khai thực hiện. Đối với các dự án do Trung ương triển khai, theo kế hoạch, có 4 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng sẽ được khởi động thực hiện, gồm dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và 2 tuyến đường vành đai 3, 4 – TP.HCM.
Về phía tỉnh, để xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, 4 dự án giao thông trọng điểm cũng sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn này gồm: các dự án Nâng cấp, mở rộng 3 tuyến đường tỉnh 769, 772, 773 và dự án Xây dựng mới đường tỉnh 770B. Theo dự báo, khi các dự án này được khởi động thực hiện, nhu cầu về nguồn đất san lấp phục vụ thi công là rất lớn.
Ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GT-VT cho hay, qua rà soát và dự báo nhu cầu, chỉ tính riêng 8 dự án giao thông do Trung ương và tỉnh triển khai thì nguồn đất san lấp cần đáp ứng đã lên tới gần 23 triệu m3.
Cụ thể, đối với 4 dự án giao thông do Trung ương triển khai, nhu cầu về nguồn đất san lấp là hơn 16 triệu m3. Trong đó, dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có nhu cầu về nguồn đất san lấp là khoảng 2,6 triệu m3; đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có nhu cầu về nguồn đất san lấp là khoảng 4,2 triệu m3; dự án Đường vành đai 3 – TP.HCM chỉ tính riêng dự án 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch cần 1,1 triệu m3 đất san lấp và lớn nhất là dự án Đường vành đai 4 – TP.HCM có nhu cầu về đất san lấp lên đến 8,2 triệu m3.
Cũng theo ông Vũ Xuân Dự, ngoài 4 dự án nói trên, một dự án hạ tầng giao thông khác cũng cần nguồn đất san lấp rất lớn là dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Dự kiến, nhu cầu đất san lấp phục vụ cho dự án này lên đến 27,4 triệu m3. Tuy nhiên, theo tính toán, khối lượng đất đất san lấp cho dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ được tận dụng từ nguồn đất đào trong phạm vi dự án và không cần cung cấp từ bên ngoài.
Trong khi đó, đối với 4 dự án giao thông do tỉnh triển khai, dự kiến nhu cầu về nguồn đất san lấp cũng lên đến gần 7 triệu m3. Trong số này, dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 772 có nhu cầu về nguồn đất san lấp lớn nhất với khoảng 4 triệu m3.
Cùng với các dự án giao thông nói trên, nhu cầu thực tế về nguồn đất san lấp phục vụ các dự án khác trên địa bàn tỉnh cũng rất lớn.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, trong năm 2022, đơn vị sẽ triển khai thực hiện 14 dự án. Các dự án này có nhu cầu về nguồn đất san lấp khoảng 8 triệu m3.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT, ngoài số lượng đất san lấp mà Sở GT-VT đã tính toán cho các dự án giao thông trọng điểm, các dự án khác sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng như nhu cầu của người dân trong xây dựng nhà cửa cũng được đơn vị tính toán thêm. Do đó, con số thực tế về nhu cầu đất san lấp lớn hơn rất nhiều so với dự tính sơ bộ.
* Cần sớm bổ sung quy hoạch
Hiện nay, theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 107 khu vực với tổng diện tích hơn 1 ngàn ha được quy hoạch để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chủ yếu là các mỏ đất san lấp.
Các khu vực này có trữ lượng dự báo khoảng 59 triệu m3 đất san lấp. Cùng với đó, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh khoanh định thêm các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp để chuẩn bị cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp nhằm có nguồn dự trữ cung cấp cho các công trình xây dựng.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu, Sở TN-MT cho biết, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh khoanh định thêm 94 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP.Long Khánh. Các khu vực được khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp có tổng diện tích khoảng 565 ha.
Mới đây nhất, để chuẩn bị nguồn vật liệu san lấp cho việc thi công các đường cao tốc trên địa bàn tỉnh và dự án Sân bay Long Thành theo tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP (ngày 16-6-2021) của Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-TTg (ngày 21-3-2019) của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT đã khoanh định thêm 7 khu vực với tổng diện tích gần 468 ha để đề nghị bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021-2025.
7 khu vực được đề nghị bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021-2025 nằm trên địa bàn 3 huyện gồm: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú.
Cụ thể, trên địa bàn H.Thống Nhất có 2 vị trí được đề nghị bổ sung quy hoạch trên địa bàn 2 xã Quang Trung và Xuân Thạnh với tổng diện tích hơn 196 ha. H.Định Quán có 2 khu vực được đề nghị bổ sung thuộc địa bàn các xã Ngọc Định, Phú Lợi, Phú Hòa với tổng diện tích hơn 72 ha. H.Tân Phú có 3 vị trí được đề nghị bổ sung quy hoạch trên địa bàn các xã Thanh Sơn, Phú Trung, Phú Lâm với tổng diện tích hơn 199 ha.
“Trong 7 vị trí được đề xuất bổ sung quy hoạch thì hiện nay, H.Tân Phú có kiến nghị không bổ sung 3 vị trí trên địa bàn huyện do có một phần nằm trong quy hoạch đất rừng và một phần nằm trên địa bàn dân cư hiện hữu. Đồng thời, địa phương cho rằng trữ lượng khoáng sản tại các vị trí này không đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy, Sở TN-MT đề nghị UBND H.Tân Phú khảo sát, giới thiệu các vị trí có trữ lượng lớn về vật liệu san lấp để bổ sung vào quy hoạch khoáng sản phục vụ cung cấp cho dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc” – ông Phạm Hữu Nghĩa cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn đột phá về hạ tầng với rất nhiều công trình hạ tầng trọng điểm của Trung ương, của tỉnh sẽ được triển khai. Do đó, nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp, đặc biệt là đất san lấp là rất lớn. Chính vì vậy, Đồng Nai phải tính toán, rà soát, cân đối lại nhu cầu để bổ sung vào quy hoạch, thực hiện khai thác các mỏ đất san lấp phục vụ các dự án, tránh trường hợp bị động khi các dự án này đi vào triển khai xây dựng.
Từ thực tế trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các địa phương rà soát lại để bổ sung thêm các khu vực, vị trí khai thác vào quy hoạch. Đối với các địa phương đã hoàn tất rà soát thì có văn bản chính thức gửi Sở TN-MT để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đặc biệt lưu ý các địa phương chủ động rà soát hướng tuyến các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trọng điểm của Trung ương đi qua địa bàn như đường vành đại 3, 4 – TP.HCM; các tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Biên Hòa – Vũng Tàu để đề xuất các vị trí khai thác đất san lấp phục vụ các dự án này kịp thời bổ sung quy hoạch và triển khai các thủ tục cấp phép khai thác.
“Các cơ quan trung ương đề nghị tỉnh phải chủ động bổ sung quy hoạch các vị trí khai thác đất san lấp nhằm phục vụ các dự án này. Do đó, các địa phương, các cơ quan chức năng phải triển khai sớm, tránh tình trạng khan hiếm đất đắp ảnh hưởng đến tiến độ các dự án” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh.
Trảng Bom Land nhận mua bán ký gửi, Review Quảng Cáo BĐS theo yêu cầu.
Thông tin liên hệ.
Gmail: trangbomland@gmail.com
SĐT/Zalo : https://zalo.me/0933305559
Trang web: https://www.trangbomland.com.vn/
Tiktok: https://www.tiktok.com/@trangbomland
Youtube: https://www.youtube.com/TrangBomLand
Fanpage: https://www.facebook.com/TrangBomLand
Nhóm Facebook: https://www.facebook.com/groups/271921607888766
Nhận xét
Đăng nhận xét