Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư

03/08/2024 (0) Nhận xét
Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư

Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư

Tại hội nghị sáng 3/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ cương vị Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2021-2026.

Quyết định và Phát biểu

Tại họp báo ngay sau hội nghị, Phó trưởng ban Tuyên giáo Lại Xuân Môn cho biết ông Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, thay ông Nguyễn Phú Trọng, với số phiếu tuyệt đối.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo trách nhiệm quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.

Quá Trình và Chức Vụ

Trước đó, Bộ Chính trị đã phân công Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 22/5. Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, ông đã công du Lào và Campuchia, thể hiện thông điệp "ưu tiên cao nhất" mối quan hệ với hai láng giềng.

Tiếp đó, ông chủ trì lễ đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch. Trong hội đàm, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin chứng kiến lễ ký kết 11 văn kiện của hai bên, trong đó có kế hoạch triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam.

Tiểu Sử và Thành Tựu

Ông Tô Lâm 67 tuổi, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15. Đầu năm 2019, ông được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăng quân hàm lên đại tướng, trở thành người thứ tư trong lịch sử công an nhân dân mang quân hàm cao nhất.

Quy Định và Tiêu Chuẩn

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng quy định Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị và bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo quy định 214, Tổng Bí thư phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"...

Tổng Bí thư phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Xem thêm những tin tức mới.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok